VnExpress giới thiệu 1.000 nông sản sạch trong năm 2017

21/02/2017
VnExpress giới thiệu 1.000 nông sản sạch trong năm 2017

1.000 nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến từ 63 tỉnh thành sẽ được VnExpress giới thiệu trên chuyên mục 'Nông nghiệp sạch' trong năm 2017.Sau gần 2 tháng ra mắt, hơn 100 nông sản được giới thiệu sinh động trên chuyên mục Nông nghiệp sạch qua hình thức bài viết và video.

Trong đó, gà đồi Phú Bình (Thái Nguyên), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), chuối B5 (Lào Cai), cam đường Văn Chấn (Yên Bái), bưởi Diễn, ổi Cự Khối (Hà Nội), hồng dẻo (Đà Lạt)... là những đặc sản làm nức lòng người tiêu dùng dịp Tết.

Năm 2016 chứng kiến nhiều thay đổi của ngành nông nghiệp - nghề mưu sinh của phần lớn lao động Việt Nam. Bởi vậy, chuyên mục còn giới thiệu các tấm gương nông dân giỏi, mô hình trồng trọt và chăn nuôi ưu việt khắp 63 tỉnh thành. Đó là lão nông Trần Nguyễn Hồ - người được mệnh danh "Vua Cút" Tiền Giang; tỷ phú rau mầm Bùi Thanh Hà (Thường Tín, Hà Nội); chàng trai Nam Định - Phạm Văn Cương biến muối thành vàng; ông Phạm Ngọc Dự - người nghĩ ra ý tưởng làm bánh hoa tam giác mạch đặc sản Hà Giang...

Nông dân xã Liên Bảo và Ý Yên (Nam Định) tận dụng phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây thay vì phân bón hóa học.

Nông dân xã Liên Bảo (Nam Định) tận dụng phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây thay vì phân bón hóa học. Trong vòng 24 tiếng sau thu hoạch, ngô nếp sẽ được mang đến nhà máy sấy khô để giữ vị tươi ngon vốn có.

Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, nhiều nông dân giỏi còn mạnh dạn vay vốn, chuyển sang mô hình nuôi trồng chuẩn Viet GAP, Global GAP để tìm chỗ đứng trên thị trường. Cá điêu hồng Mỹ Hào (Hưng Yên), nếp cái hoa vàng Yên Phong (Bắc Ninh), gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), chè Làng Bát (Tuyên Quang), su su Tam Đảo (Vĩnh Phúc), măng tây xanh (Bắc Ninh)... là những nông sản đầu tiên đạt chứng nhận này.

Ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), nông dân nuôi cá vược theo mô hình VietGAP, chỉ cho ăn các loại cá biển nhỏ thay vì cám công nghiệp, mời Chi cục Thú y Hải Phòng kiểm tra nguồn thức ăn thường xuyên. Còn ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), vườn bưởi Năm Roi của mỗi hộ gia đình cũng phải kiểm tra hàng năm để tái chứng nhận GlobalGAP.

Đây đều là những mô hình nuôi trồng được tiếp cận gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông nghiệp sạch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), từ tháng 11/2016.

Nhờ nhãn dán chứng nhận Viet GAP, Global GAP trên bao bì, nông sản sạch trong nước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, trên thị trường hỗn độn thực phẩm bẩn. Khi mua bất kỳ mớ rau, lạng thịt hay hoa trái nào, người dùng cũng có thói quen truy xuất nguồn gốc, nơi sản xuất, chất lượng thực phẩm, quy trình canh tác... qua nhãn mác.

Nỗ lực giữ nghề truyền thống qua bao đời và học hỏi mô hình nuôi trồng mới, giúp nhiều nông sản Việt Nam góp mặt trên thị trường thế giới. Chuối B5 (Lào Cai) chủ yếu được xuất sang thị trường Trung, Hàn, Nhật... Dưa chuột bao tử Tiên Lãng (Hải Phòng) ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, còn đóng hộp xuất đi nhiều nước như Nga, Nhật, Afghanistan… Ngao sạch Giao Thủy (Nam Định) đạt tiêu chuẩn châu Âu cũng chinh phục nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.

Không ít sản phầm được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu như chanh không hạt Châu Thành (Hậu Giang), chè Suối Giàng và miến đao Giới Phiên (Yên Bái), nấm Lạng Giang (Bắc Giang)... Đây được xem là tấm vé thông hành, giúp nông sản Việt vươn tới các thị trường quốc tế.

Cam Hàm Yên, một trong những nông sản chủ lực của Tuyên Quang đạt chuẩn Viet GAP.

Cam Hàm Yên, một trong những nông sản chủ lực của Tuyên Quang đạt chuẩn Viet GAP.

Thế nhưng, không ít nông sản Việt vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trong nước. Mới đây nhất, gừng Cà Mau, Hậu Giang rớt giá còn 3.000 đồng mỗi kg. Miền Bắc bán 3 yến su hào mới đổi được một bát phở. Bí đỏ Gia Lai chỉ có 500 đồng một kg do thương lái ép giá.

Chị Trương Thị Hải Yến (Nghĩa Lộ, Yên Bái) muốn duy trì nghề làm thịt trâu gác bếp truyền thống của người Thái như một nét ẩm thực riêng của vùng đất này. Tuy nhiên trên thị trường hiện có nhiều nơi làm giả món đặc sản Nghĩa Lộ. "Song nhờ có chương trình 'Nông nghiệp sạch', nhiều khách hàng biết tới sản phẩm an toàn của địa phương chúng tôi rồi đặt hàng. Cận Tết, riêng cơ sở của tôi bán được 3 tấn thịt thành phẩm, lợi nhuận cao và tạo nguồn thu nhập cho nhiều nhân công trong vùng", chị Yến chia sẻ.

Được ưu ái vùng khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn gen đa dạng, nông sản Việt Nam có tiềm năng phát triển bền vững. Tuy nhiên, làm sao để nguồn nông sản sạch được tiếp cận với mọi người tiêu dùng Việt vẫn là thách thức lớn. Thông qua chuyên mục "Nông nghiệp sạch", hàng trăm nông sản sạch trải dài từ Bắc vào Nam sẽ được quảng bá, chạm gần hơn nữa đến bữa ăn của người tiêu dùng cả nước.

Trong năm 2017, trên chuyên mục Nông nghiệp sạch, VnExpress sẽ giới thiệu đến độc giả khoảng 1.000 nông sản an toàn đến từ 63 tỉnh thành.

An San

 

Viết bình luận của bạn:

Nông sản VFARM

037 2222 112

Kỹ thuật cây trồng

098 2222 036